Có lẽ, sẽ rất nhiều người lo lắng, việc Huế tổ chức liên tục các kỳ Festival hàng năm sẽ dẫn đến sự nhàm chán, nhưng thực tế lại không cho thấy điều đó, sức hút của các Lễ hội văn hóa dường không bao giờ vơi cạn trong lòng của công chúng và du khách.
Những con số mà Ngành du lịch và Ban tổ chức thống kê và công bố mới đây là một minh chứng rõ nhất của tính hiệu quả đó. Mặc dù có sự cạnh tranh rất lớn của các lễ hội diễn ra cùng thời điểm trên khắp cả nước, song Festival Nghề truyền thống Huế 2017 với sức hút của nó đã góp phần giúp lượng du khách đến Huế trong dịp 30/4 – 1/5 ước đạt 147 nghìn người, tăng 33% so với Festival 2015.Có hơn 96.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa Huế tăng 25% (tăng 14.000 du khách) so với Festival 2015, trong đó khách quốc tế ước đạt 33.000 lượt, khách nội địa ước đạt 63000. Đặc biệt từ ngày 29/4 đến 1/5, công suất buồng phòng các khách sạn bình quân trên 95%, các khách sạn từ 3 sao đến 5 sao đạt 100%.
Bên cạnh đó, doanh thu các hoạt động bán hàng tại Không gian tôn vinh nghệ nhân, làng nghề ước 4,5 tỷ đồng (tăng 12,5% so với Festival nghề truyền thống Huế 2015), doanh thu bán hàng tại không gian vườn áo dài tại công viên Lý Tự Trọng gần 500 triệu, riêng tại không gian ẩm thực doanh số gần 1,1 tỷ đồng (tăng 10% so với Festival nghề truyền thống Huế 2015). Các đơn vị có hoạt động kinh doanh nổi bật như Mỹ nghệ Trường Tiền doanh thu 300 triệu đồng, Mộc mỹ nghệ Thái Vinh doanh thu 210 triệu đồng, Dệt đũi Nam Cao Thái Bình 200 triệu đồng, Công ty TNHH Thái Hưng - Pháp lam Huế 200 triệu đồng, gốm Bát Tràng 200 triệu đồng… Đó là chưa kể có nhiều cuộc trao đổi thương mại, nhiều đơn đặt hàng đã được đặt và sẽ được thực hiện sau Festival Nghề truyền thống Huế.
Du khách đến tham quan, mua sắm tại Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề rất đông
Và không chỉ có thế, những hiệu quả về văn hóa cũng thể hiện rất rõ. Bởi các Festival đích thực vẫn là một sản phẩm văn hóa, đem lại những món ăn tinh thần cho công chúng. Cứ mỗi lần được đến với Huế, với Festival, được hòa mình vào một không gian văn hóa lễ hội thì cũng như đang thưởng thức những bữa ăn. Một bữa ăn ngon, phong phú đa dạng chắc chắn sẽ góp phần bồi bổ, đem lại những trải nghiệm về cảm xúc đặc biệt cho những người thưởng thức chúng. Trải qua hàng chục kỳ Festival diễn ra trên đất Huế, dễ nhận ra một điều rằng, người Huế - công chúng – những chủ nhân của Lễ hội đã có sự thay đổi theo hướng nâng tầm khả năng cảm thụ và tiếp nhận văn hóa. Không còn cái lắc đầu khi nhìn vào những bức tranh triển lãm vì không hiểu người ta vẽ cái gì, cũng không còn hình ảnh phản cảm sau khi lễ hội kết thúc người dân ùa vào để giành “chiến lợi phẩm” trong giàn chuông nón của tác phẩm nghệ thuật sắp đặt bên bờ sông Hương như tại Festival Nghề 2005, thay vào đó, dòng người hòa mình vào “rừng hoa vàng” sau Lễ hội áo dài, cẩn thận, dè dặt để rồi sau khi chụp được những tấm ảnh ưng ý, rừng hoa vàng vẫn còn vẹn nguyên và để lại những “dư âm” rất đẹp trên báo chí.
Trả lời câu hỏi về việc liệu Festival Nghề truyền thống Huế 2017 có gì mới, khác biệt hơn so với những Festival trước, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đã có một câu trả lời rất chí lý và nhận được nhiều sự đồng tình. Đó là chắc chắn Festival nghề lần này sẽ mới, sẽ hấp dẫn hơn. Mới ở đây không chỉ là việc có thêm những chương trình mới chưa từng có ở những kỳ Festival trước đây hay ở quy mô, số lượng các làng nghề, yếu tố quốc tế ngày càng đậm nét hơn, mà còn bởi con người cảm thụ văn hóa ở mỗi thời điểm sẽ không giống nhau, mới ở đây còn là do khi tổ chức nhiều lần thành phố sẽ rút ra những bài học để Lễ hội ngày càng chuyên nghiệp hơn, điều đó bảo đảm sự ổn định của khung chương trình. Và đặc biệt, mới ở đây là chính tâm thế của các nghệ nhân, nghệ sĩ họ sẽ tự mình làm mới nghề của mình để tham gia thi thố trong “sân chơi” của chính mình, để nhận được sự trầm trồ, thán phục của số đông công chúng đến thưởng thức và tôn vinh.
*Cần làm gì cho Festival sau
Nói thì nói vậy song con đường để hướng đến tính chuyên nghiệp, xứng tầm với Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam đối với Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung vẫn còn rất dài. Chúng ta có gần 20 năm kinh nghiệm tổ chức các kỳ Festival nhưng so với những Festival tầm cỡ quốc tế có tuổi đời hàng trăm năm thì vẫn còn là một khoảng cách khá xa. Vấn đề ở đây là cứ mỗi lần tổ chức chúng ta phải tích lũy được các kinh nghiệm và rút ra những bài học để không lặp lại những sai sót cũ như tính hiệu quả của công tác truyền thống, vấn đề thiếu chủ động trong huy động nguồn tài trợ... đồng thời phải cập nhật công nghệ tổ chức Festival của các nước quốc tế, bởi theo thời gian thị hiếu của người thưởng thức cũng sẽ có những thay đổi. Và nói gì thì nói hiệu quả kinh tế cũng là mục tiêu cần thiết được đặt ra, bởi chỉ có như thế chúng ta mới định lượng được.
Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó chủ tịch thường trực UBND Thành phố, Phó trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 trong bài phát biểu bế mạc đã nhấn mạnh: Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 7 đã được tổ chức với tinh thần hợp lý, hiệu quả, tăng cường xã hội hóa, hạn chế những chi phí không cần thiết, sau Festival nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị, sản phẩm, tài liệu quý, những kinh nghiệm và định hướng cơ bản sẽ được các Festival sau kế thừa, sử dụng và phát huy.
Thực tế, có khá nhiều chương trình thành phố không phải tốn kinh phí tổ chức mà được huy động từ đối tác và chủ trương xã hội hóa như: chương trình Lễ hội khinh khí cầu, chương trình chiếu phim, giao lưu với diễn viên, đạo diễn Hàn Quốc, chương trình ca nhạc có sự góp mặt của 5 ca sĩ trẻ Hàn Quốc... là những chương trình do các đối tác của Thành phố Huế tự huy động kinh phí. Theo nhẩm tính nếu thành phố tự bỏ kinh phí mời thì có khi vài tỷ đồng cũng không làm được. Hay như việc lần đầu tiên có hai chương trình công phu được bán vé để công chúng làm quen với việc bỏ tiền thưởng thức các chương trình văn hóa chất lượng góp phần đem lại nguồn thu. Ngoài ra, khu vực khán đài và sân khấu tại sân trường Quốc Học do thành phố mua sắm từ Festival trước và do chính Trung tâm công viên cây xanh Huế,một đơn vị của Thành phố đảm nhiệm đã cho thấy một bước tiến trong nhận thức về sự từng bước chủ động và chuyên nghiệp hóa trong việc tổ chức các lễ hội. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu giải pháp để mở rộng khán đài từ 2500 chỗ lên 3000 chỗ để phục vụ đông đảo công chúng hơn.
Một vấn đề quan trọng nữa đó chính là ý tưởng về tổ chức các Lễ hội. Đây là một vấn đề nhiều người lo ngại vì sự cạn kiệt song trí tưởng tượng của con người là vô hạn, và ý tưởng sẽ luôn nảy sinh trong quá trình tư duy và sáng tạo. Chúng ta có thể thấy qua ý tưởng tổ chức lễ hội “Áo dài và hội họa Huế” tại Festival Nghề truyền thống Huế. Vẫn là không gian cầu Trường Tiền nhưng ý nghĩa nội dung mới mẻ, cách thiết trí sắp đặt độc đáo vẫn tạo nên một ấn tượng, cảm xúc hết sức “lạ lùng” cho công chúng.
Lễ hội Áo dài với sự kết hợp giữa Áo dài và hội họa Huế đã tạo ra một không không gian ký ức đặc biệt, song vẫn thể hiện được nét Huế rất mới
Tất nhiên, ý tưởng thì không tự dưng mà có, muốn có những ý tưởng tốt, những người tổ chức phải có thời gian chuẩn bị đủ dài, một ngân hàng ý tưởng cho việc tổ chức các hoạt động của Festival Huế vào năm chẵn và các Festival chuyên đề. Thậm chí, cần thiết chúng ta cũng có thể tổ chức các diễn đàn đóng góp ý tưởng, các cuộc thi tìm ý tưởng cho việc tổ chức các hoạt động tại Festival để huy động sự sáng tạo của tất cả mọi người dân Huế cũng như những người yêu Huế trên khắp cả nước.